Tự bảo vệ mình trước tình trạng diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới do vi rút Dengue gây ra. Vi rút Dengue có 4 chủng huyết thanh gồm: DEN-1; DEN-2; DEN-3; DEN-4. Người bệnh nhiễm 1 trong 4 chủng vi rút này có khả năng tạo ra miễn dịch với chủng đó suốt đời. Tuy nhiên, người từng bị sốt xuất huyết không có khả năng miễn dịch với 3 chủng còn lại nên có thể tái nhiễm với 3 chủng còn lại.
Vi rút lây nhiễm từ người mắc bệnh sang người khỏe mạnh do muỗi vằn cái (Aedes Aegypti) có màu đen, chân và thân có đốm trắng vằn vện. Muỗi vằn cái chứa vi rút gây bệnh sốt xuất huyết thường đốt người vào sáng sớm và chiều tối. Loại muỗi này thường trú đậu tại quần áo, chăn màn, chum, vại, lu, vùng nước tù đọng, ao hồ, hốc cây.
Có 3 cấp độ đánh giá tình trạng mắc bệnh từ nhẹ đến nặng. Triệu chứng điển hình của bệnh là tình trạng sốt cao, xuất hiện phát ban, da xung huyết, buồn nôn, ói mửa, đau nhức cơ,… Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng nề như: sốc, suy đa tạng, trụy tim mạch, xuất huyết nội tạng hoặc thậm chí là tử vong.
Mặc dù là bệnh lý phổ biến nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thuốc và vaccine phòng ngừa đặc hiệu đối với bệnh sốt xuất huyết. Do đó, cách điều trị chủ yếu vẫn là cải thiện triệu chứng lâm sàng, nâng đỡ thể trạng và ngăn ngừa biến chứng.
Trước tình trạng diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, người mắc bệnh nên trực tiếp đến trung tâm y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị. Người chưa nhiễm bệnh cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả và an toàn đảm bảo sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng như:
- Ngủ màn, mang vớ và mặc quần áo dài để hạn chế muỗi đốt.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, làm sạch các vùng nước tù đọng và đậy kín chum nước để hạn chế muỗi vằn, đẻ trứng, sinh sôi và phát triển mạnh.
- Vệ sinh cống rãnh và đường xá ở khu vực sinh sống bởi đây là không gian muỗi trú ngụ và đẻ trứng.
- Sử dụng nhang muỗi và phun thuốc diệt muỗi thường
- Thường xuyên nhổ cỏ và tỉa cây để hạn chế muỗi và các loại côn trùng trú ngụ, phát triển.
- Nên thả cá vào ao hồ lớn để diệt lăng quăng.
- Thu gom và tiêu hủy các vật dụng phế thải như lọ, vỏ dừa, chai; đậy kín hoặc lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng.
- Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, nên sử dụng các loại kem bôi trị muỗi.
- Hình minh họa