Cách phòng bệnh tay chân miệng tại nhà cho trẻ em

Cách phòng bệnh tay chân miệng tại nhà cho trẻ em

Bệnh tay chân miệng (viết tắt là HFMD) do virus cấp tính Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 gây ra, dễ lây truyền qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các bọng nước, nước bọt, dịch tiết mũi họng.

Ở Việt Nam, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm nhưng cao điểm bệnh dịch thường rơi vào tháng 3 -5 và tháng 9 -12, đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ em dưới 10 tuổi. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên, đến cuối tháng 6-2023, toàn tỉnh chỉ có 16 ca mắc tay chân miệng, không có ca tử vong. Tuy nhiên từ đầu tháng 7-2023 đến nay, số ca mắc tăng vọt. Tính đến hết ngày 7-7, đến 8/9 huyện, thị, TP ở Phú Yên đã có ca mắc tay chân miệng với tổng số 72 ca, trong đó có 2 ca tử vong là các bệnh nhi đều sinh năm 2021 vào các ngày 29-6 và 5-7.

Như vậy, chỉ trong những ngày đầu tháng 7, số ca mắc bệnh tay chân miệng ở tỉnh này đã tăng gấp 3,5 lần so với tổng số ca mắc trong 6 tháng đầu năm.Tuy An là huyện có số ca mắc nhiều nhất với 26 ca, trong đó có 1 ca tử vong và 2 ổ dịch được xác định tại xã An Ninh Tây. Các địa phương có số ca mắc cao hiện nay là TP Tuy Hòa (17 ca), thị xã Đông Hòa (10 ca).

Các triệu chứng khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Trẻ mắc tay chân miệng ở giai đoạn đầu thường xuất hiện các triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, đau họng nhẹ, kém ăn…Tuy nhiên, các triệu chứng này lại dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm da bóng nước do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hay bệnh thủy đậu.Trong 1 – 2 ngày đầu nhiễm bệnh tay chân miệng trẻ em sẽ xuất hiện những nốt ban hồng có đường kính khoảng vài mm, nổi trên bề mặt da phát triển thành bóng nước. Các vết loét phía trong miệng, trên đầu lưỡi, vòm miệng, lợi có thể bị lở loét, gây đau đớn mỗi khi nuốt. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý để không bị nhầm lẫn với bệnh viêm loét miệng thông thường. Ngoài ra, các vết loét cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông hoặc cơ quan sinh dục ở trẻ.

Cách phòng bệnh cho con trẻ Giữ vệ sinh cá nhân

Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ không chỉ phòng ngừa được bệnh tay chân miệng hiệu quả mà còn phòng được những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Người lớn và cả trẻ em nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ẵm bồng trẻ, sau khi đi vệ sinh.

Giữ vệ sinh ăn uống

Thức ăn cho trẻ và gia đình cần đầy đủ dinh dưỡng, ăn chín, uống chín. Những vật dụng trong nhà bếp cần được rửa sạch trước khi dùng. Tuyệt đối không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, vật dụng ăn uống chưa được khử trùng.

Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt

Nhà trẻ, trường học và hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ những bề mặt tiếp xúc hàng ngày như bàn ghế, đồ chơi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà, dụng cụ học tập bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

Theo dõi và phát hiện sớm

Tình trạng sức khỏe của trẻ cần được theo dõi thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị các trường hợp bệnh tay chân miệng, tránh lây nhiễm cho những trẻ khác.

Cách ly và điều trị kịp thời khi mắc bệnh

Các hộ gia đình, nhà trẻ có trẻ dưới 5 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Khi trẻ bệnh cần cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi bệnh khởi phát, không nên cho trẻ có những biểu hiện mắc bệnh đến lớp chơi với những trẻ khác. Cần thực hiện khử khuẩn lớp học, nhà ở, đồ chơi, bề mặt các vật dụng… khi phát hiện có trẻ mắc bệnh để tránh lây nhiễm cho các trẻ khác trong lớp và trong gia đình.

Một số hình ảnh:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.